Quy định mới về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng

Thứ sáu - 29/03/2013 16:46
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 26/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng. Theo đó, cơ quan thanh tra Nhà nước ngành Xây dựng gồm thanh tra Bộ Xây dựng và thanh tra Sở Xây dựng.

 Chính phủ vừa ban hành Nghị định 26/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng. Theo đó, cơ quan thanh tra Nhà nước ngành Xây dựng gồm thanh tra Bộ Xây dựng và thanh tra Sở Xây dựng.

Thanh tra Bộ Xây dựng có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, thanh tra viên, công chức, được tổ chức thành các phòng nghiệp vụ. Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Thanh tra Bộ có nhiệm vụ khảo sát, thu nhập thông tin làm cơ sở xây dựng kế hoạch thanh tra; thực hiện thanh tra chuyên ngành; tổ chức tập huấn nghiệp vụ về thanh tra cho công chức, thanh tra viên; chủ trì hoặc tham gia các đoàn thanh tra liên ngành…

Cơ cấu tổ chức của Thanh tra Sở Xây dựng gồm Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, thanh tra viên, công chức. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Xây dựng được tổ chức các Đội đặt tại địa bàn cấp huyện.

Hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành Xây dựng. Trong đó, có thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch, kiến trúc như công tác lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh các quy hoạch xây dựng vùng; xây dựng đô thị; quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; xây dựng nông thôn mới; quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, các cửa khẩu biên giới quốc tế.

Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động đầu tư xây dựng; về phát triển đô thị; về quản lý, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật (bao cồm cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải...); thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, kinh doanh bất động sản, quản lý, sử dụng công sở trong phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.

Ngoài ra, thanh tra ngành Xây dựng còn tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng; kinh doanh vật liệu xây dựng có điều kiện theo quy định của pháp luật...

Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng ra quyết định thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành. Khi cần thiết, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng ra quyết định thanh tra theo quy định.

Cuộc thanh tra chuyên ngành, cuộc thanh tra hành chính do Thanh tra Bộ Xây dựng tiến hành không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài hơn nhưng không quá 70 ngày.

Cuộc thanh tra chuyên ngành, cuộc thanh tra hành chính do Thanh tra Sở Xây dựng tiến hành không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp hoặc do điều kiện đi lại khó khăn tại các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa thì có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

Về phê duyệt kế hoạch thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng kế hoạch thanh tra chậm nhất vào ngày 15/11 hàng năm; Thanh tra Sở Xây dựng có trách nhiệm trình Giám đốc Sở phê duyệt kế hoạch thanh tra chậm nhất vào ngày 5/12 hàng năm. Kế hoạch thanh tra của Sở nếu chồng chéo với kế hoạch thanh tra của Bộ Xây dựng thì thực hiện theo kế hoạch thanh tra của Bộ Xây dựng. Chánh thanh tra Bộ Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với Chánh Thanh tra tỉnh giải quyết việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Xây dựng với các cơ quan thanh tra của địa phương.

Theo Nghị định, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng có quyền ra quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Chủ tịch UBND cấp tỉnh kết luận thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Bộ trưởng giao. Quyết định thanh tra lại bao gồm các nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Thanh tra. Chậm nhất 3 ngày làm việc, kể từ ngày ký quyết định thanh tra lại, người ra quyết định thanh tra lại phải gửi quyết định thanh tra lại cho người đã ký kết luận thanh tra và đối tượng thanh tra lại.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2013, thay thế Nghị định số 46/2005/NĐ-CP ngày 6/4/2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Xây dựng. Chấm dứt việc thực hiện Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg ngày 18/6/2007 về thí điểm thành lập Thanh tra xây dựng quận, huyện và thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

 

Nguồn tin: thanhtra.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây