Xây dựng đô thị thông minh cần những gì? Kinh nghiệm từ thực tiễn

Thứ bảy - 31/03/2018 15:01
Nhằm phát huy các thế mạnh của “đầu tàu” kinh tế, hỗ trợ 7 chương trình đột phá, đem đến chất lượng sống tốt cho người dân…, TP HCM quyết tâm xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM). Theo các chuyên gia, muốn xây dựng TP HCM là một ĐTTM, cần rất nhiều yếu tố, trong đó công nghệ thông tin là nền tảng

TP HCM xác định xây dựng ĐTTM là một hướng phát triển cùng với 7 chương trình đột phá, nhằm bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, hướng đến kinh tế tri thức; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; quản trị đô thị hiệu quả; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân...

Các mục tiêu này sẽ phục vụ 3 đối tượng chính của ĐTTM:

Chính quyền thành phố: ĐTTM sẽ tập trung xây dựng chính quyền điện tử, đặt nền móng về kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu để gia tăng hiệu quả quản lý Nhà nước trên các mặt và lĩnh vực hoạt động.

Người dân: ĐTTM tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân, tăng cường các tiện ích phục vụ cho người dân.

Doanh nghiệp: ĐTTM sẽ kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thuận tiện để doanh nghiệp hoạt động, thông qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp so với các khu vực khác và thu hút đầu tư cho thành phố. Đồng thời, doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn dữ liệu mở để phát huy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp nhằm xây dựng ngày càng nhiều các dịch vụ tiện ích, cùng chung tay với chính quyền củng cố, phát huy và xây dựng ĐTTM TP HCM ngày càng bền vững.

ĐTTM ưu tiên tập trung, bám sát các lĩnh vực thuộc 7 chương trình đột phá đã được Thành ủy và UBND TP HCM xây dựng kế hoạch thực hiện, cùng những lĩnh vực có vấn đề bức xúc liên quan đến an sinh cuộc sống của người dân, cụ thể như: Cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, vấn đề giao thông, chống ngập, môi trường, y tế, dịch vụ sức khỏe cộng đồng, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự an toàn xã hội, chỉnh trang đô thị.

Bên cạnh đó, TP HCM cũng triển khai thực hiện các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp về tài chính; giải pháp khuyến khích sự tham gia của người dân; giải pháp về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp như chương trình truyền thông, đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ người dân tham gia vận hành ĐTTM; chương trình tuyển dụng, nâng cao năng lực đội ngũ quản lý và đội ngũ kỹ thuật của thành phố để triển khai và vận hành ĐTTM.

Mục tiêu của Đề án Xây dựng TP HCM trở thành ĐTTM giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 là lấy người dân làm trọng tâm. Và việc xây dựng ĐTTM là một quá trình liên tục, mang tính chất “mở”. Do đó, sau khi dự thảo đề án được hoàn thành, thành phố sẽ tổ chức lấy ý kiến góp ý của người dân trước khi ban hành.

Ngoài ra, TP HCM cũng sẽ tổ chức lấy ý kiến phản biện của HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trên các lĩnh vực, đại diện các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, lực lượng tri thức trẻ, hiệp hội các ngành nghề, các doanh nghiệp nước ngoài đang làm việc tại TP HCM.

Các đô thị dù là hiện đại hay chưa, dù là thông minh hay chưa, thì đều phải có hạ tầng kỹ thuật - dịch vụ bao gồm 6 nhóm chủ yếu, đó là: Quy hoạch bền vững; hệ thống giao thông thông thoáng, dịch vụ giao thông thuận tiện; điện - năng lượng - chiếu sáng, cấp - thoát nước đầy đủ và ổn định; viễn thông - thông tin liên lạc thông suốt; hệ thống các dịch vụ như hành chính công, y tế, giáo dục, đảm bảo an ninh…; hệ thống xử lý chất thải hoàn thiện, ít ô nhiễm.

Để xây dựng ĐTTM, chúng ta cần xác định những thông tin cơ bản mà người dân “bấm” là có và sẵn sàng trả tiền như điện, nước, thu gom rác…

Có 2 nhóm môi trường cơ bản cần cho sự vận hành ĐTTM. Một là môi trường công nghệ, chủ yếu là giải quyết vấn đề kết nối. Việc này giải quyết không khó khăn. Hai là môi trường xã hội, đây là vấn đề rất phức tạp mà các đề xuất về xây dựng ĐTTM nói chung chưa đánh giá đúng.

Kiến tạo hệ thống các cơ sở dữ liệu dùng chung, tức là xây dựng nguồn lực thông tin. Ở đây cũng có 2 nhóm công việc chủ yếu. Hãy hình dung, việc này giống như là xây một cái chợ thông tin với rất nhiều loại hàng hóa. Việc thứ nhất là xây chợ, một khu chợ đầu mối về thông tin, việc này các công ty phần mềm có thể làm được. Việc thứ hai khó hơn, tốn kém hơn về mọi mặt là tích tụ “hàng hóa thông tin” sẽ được mua - bán qua chợ.

Cần chế tạo những “công tắc”, “vòi nước” cho hạ tầng kỹ thuật - dịch vụ thông tin, sao cho ai cũng dùng được chúng để có được thông tin cơ bản một cách dễ dàng. Cái mà người ta hay nói đến là các thiết bị cá nhân thông minh, chẳng hạn các điện thoại thông minh khá phổ biến nhưng còn chưa thật dễ tiếp cận cho tất cả mọi người, một phần vì giá, nhưng phần khác có lẽ quan trọng hơn là quá nhiều chủng loại và sử dụng không đơn giản cho số đông người dân.

Với xu thế công nghệ mới, điện toán đám mây, mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT)…, lượng dữ liệu tạo ra ngày càng tăng với tốc độ rất nhanh. Xuất phát từ nhiều nguồn, đa dạng về hình thức (cấu trúc, phi cấu trúc…), khối lượng lớn, tăng trưởng nhanh, tập dữ liệu này chứa đựng bên trong nó các thông tin và tri thức có giá trị. Tuy nhiên, việc quản lý và khai thác dữ liệu này hiện chưa được triển khai đồng bộ và hiệu quả trong phạm vi nội bộ ngành, lĩnh vực, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ hoạt động, hỗ trợ ra quyết định.

Với góc nhìn tổng thể, thông tin phục vụ quản lý và giá trị tri thức phát hiện được sẽ càng lớn khi các nguồn được tích hợp và kết nối phù hợp, áp dụng các kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Do đó, việc nghiên cứu phát triển và xây dựng mô hình để quản lý và phân tích các loại dữ liệu này nhằm giải quyết những vấn đề phức tạp, từ đó đưa ra các quyết định tốt nhất cho sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, tăng chất lượng cuộc sống cho người dân là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Đơn cử như hướng tiếp cận xây dựng hệ thống y tế thông minh, trước tiên là xây dựng bệnh viện thông minh, gồm các dịch vụ thông minh như đặt lịch khám trực tuyến, ứng dụng xếp hàng thông minh cho hoạt động khám, xét nghiệm, xem báo cáo xét nghiệm cận lâm sàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Ngoài ra còn chăm sóc sức khỏe từ xa, các hệ thống dùng sinh trắc học, chia sẻ thông tin khám chữa bệnh và cuối cùng là chăm sóc sức khỏe chủ động và thông minh. Cụ thể, áp dụng thẻ thông minh trong quản lý bệnh nhân, chia sẻ bệnh án điện tử EHR dùng công nghệ đám mây, chia sẻ hình ảnh cận lâm sàng, xây dựng bệnh án điện tử EMR (Electronic Medical Record) ở các bệnh viện lớn, sẵn sàng tích hợp (Bộ Y tế đã thí điểm), liên thông kết quả xét nghiệm theo chuẩn Bộ Y tế ban hành.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế trong ĐTTM sẽ xây dựng các trung tâm ứng cứu bằng dữ liệu đám mây, có khả năng cảnh báo và ứng cứu kịp thời, phát hiện kịp thời nhờ đồng bộ dữ liệu chữa bệnh kèm thông tin địa lý. Xác định thông tin vị trí của bệnh nhân để khoanh vùng dịch và phục vụ ngành y tế dập dịch...

Thành phố Đà Nẵng đã có một quá trình dài trong việc tin học hóa công tác quản lý hành chính, xây dựng mô hình, triển khai chính quyền điện tử và cùng theo xu thế phát triển, Đà Nẵng “chập chững” với những bước đi ban đầu của thành phố thông minh.

Với những chập chững ban đầu, thông qua giải thưởng của IBM, Đà Nẵng đã làm việc với các chuyên gia quốc tế để xây dựng khung kiến trúc của thành phố thông minh dựa trên cách tiếp cận “cứng”, trong đó công nghệ thông tin là nền tảng chủ chốt. Đây còn gọi là mô hình phát triển dựa theo cơ sở hạ tầng nhằm giải quyết những lĩnh vực mang tính vật thể như tăng cường hiệu quả của hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông đô thị, hiệu năng của việc sử dụng năng lượng hay xử lý nước thải...

Cách tiếp cận “cứng” cho phép chính quyền thành phố có thể phản ứng một cách nhanh chóng nhờ vào một loạt hệ thống cảm biến, mạng truyền dẫn và các giải pháp thông minh để xử lý các gói dữ liệu lớn. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ rõ: Chỉ công nghệ thôi là chưa đủ và ý niệm rằng công nghệ và quản trị đô thị sẽ tự động đem đến một đô thị tốt hơn, có thể nâng cao chất lượng sống cho người dân đô thị, là chưa có cơ sở.

Cách tiếp cận thứ hai là tiếp cận “mềm”, nhắm tới việc nâng cao giá trị của các thành phần phi vật thể như: Vốn xã hội, vốn con người (human capital), vốn tri thức của các công ty, vốn tổ chức trong các cơ quan quản lý, bao gồm xã hội, sự tham dự, sáng tạo xã hội, công bằng xã hội... Triết lý chung của cách tiếp cận “mềm” là không thể trông chờ công nghệ giải quyết các vấn đề xã hội. Không thể có một kiểu sửa chữa nhanh cho vấn đề vốn rất phức tạp của đô thị. So với cách tiếp cận “cứng”, cách tiếp cận “mềm” có những ưu thế như tận dụng được các lợi thế của vốn con người và vốn xã hội, trao quyền lực cho công dân, góp phần xây dựng vốn tri thức và sáng tạo tri thức...

 

 

Tác giả bài viết: Đức Tôn (ST)

Nguồn tin: petrotimes.vn

 Từ khóa: đô thị thông minh

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây