BÀN VỀ THIẾT KẾ ĐÔ THỊ

Thứ hai - 14/11/2011 16:39
...TKĐT là một sự tổng hợp hài hòa giữa quy hoạch, kiến trúc, hội họa, điêu khắc, kinh tế và xã hội như nhiều người đã từng nhận xét...
BÀN VỀ THIẾT KẾ ĐÔ THỊ

I. MỞ ĐẦU

Cụm từ “Thiết kế đô thị” (Urban Design) (TKĐT) đã được nghe nói từ lâu. Đã có rất nhiều giải thích về cụm từ này.

 

TKĐT là một nghệ thuật tạo ra để định hình các thành phố, thị xã, thị trấn. TKĐT liên quan đến việc sắp xếp, thiết kế các toà nhà, không gian công cộng, hệ thống giao thông, dịch vụ, các tiện nghi. TKĐT là quá trình đưa ra hình thức, hình dạng và các yếu tố cho nhóm toà nhà, toàn bộ khu vực lân cận của đô thị. Bao gồm đường phố, quảng trường, kiến trúc cảnh quan làm cho khu vực chức năng hấp dẫn. TKĐT là làm cho con người kết nối với địa điểm, tạo ra việc hình thành đô thị, tạo ra sự công bằng xã hội và tăng khả năng phát triển kinh tế khu vực, tạo ra một tầm nhìn , nguồn lực để nâng cao cuộc sống con người. Học giả Donald Watson còn nói: “TKĐT và xây dựng thành phố là những nỗ lực tốt đẹp nhất của bất kỳ niên đại nào làm tăng tầm nhìn và năng lực cuộc sống, nó tạo ra văn hoá và tác phẩm tuyệt vời. Đó là tặng phẩm của các nhà thiết kế và hoạch định chiến lược. TKĐT thực chất là một nỗ lực về đạo đức lấy cảm hứng từ tầm nhìn của nghệ thuật và kiến trúc công cộng cùng với sự kết hợp của khoa học về xây dựng”. TKĐT là một sự tổng hợp hài hòa giữa quy hoạch, kiến trúc, hội họa, điêu khắc, kinh tế và xã hội như nhiều người đã từng nhận xét.

 

Xem như vậy mới thấy đã có nhiều người bàn về TKĐT và khái niệm đó đã có từ thế kỷ trước. Trong nội dung giảng dạy ở các trường đại học chuyên ngành kiến trúc và xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ XXI đã có môn học về TKĐT

Cuối năm 2003 khi Quốc hội ta ban hành Luật Xây dựng, trong Luật đã nói về TKĐT. Giới chuyên môn rất phấn khởi về tin này bởi luật pháp của chúng ta đã tiếp cận và chấp nhận một nội dung khoa học tiên tiến chứa đựng bản sắc dân tộc.

II. PHÁP LUẬT VỀ THIẾT KẾ ĐÔ THỊ

A. Luật Xây dựng

Luật Xây dựng, số 16/2003/QH11 đã được Quốc hội Khóa 11 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003 đã quy định tại các điều:

Điều 3 : Giải thích từ ngữ

Khoản 15 đã quy định: Thiết kế đô thị là việc cụ thể hoá nội dung quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị về kiến trúc các công trình trong đô thị, cảnh quan cho từng khu chức năng, tuyến phố và các khu không gian công cộng khác trong đô thị.

Điều 27 Thiết kế đô thị

  1. Thiết kế đô thị bao gồm những nội dung sau đây:
  1. Trong quy hoạch chung xây dựng đô thị, thiết kế đô thị phải quy định và thể hiện được không gian kiến trúc công trình, cảnh quan của từng khu phố, của toàn bộ đô thị, xác định được giới hạn chiều cao công trình của từng khu vực và của toàn bộ đô thị;
  2. Trong quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, TKĐT phải quy định và thể hiện được cốt xây dựng của mặt đường, vỉa hè, nền công trình và các tầng của công trình, chiều cao công trình, kiến trúc mặt đứng, hình thức kiến trúc mái, mầu sắc công trình trên từng tuyến phố;
  3. TKĐT phải thể hiện được sự phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, hài hoà với cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo ở khu vực thiết kế; tận dụng các yếu tố mặt nước, cây xanh; bảo vệ di sản văn hoá, công trình di tích lịch sử - văn hoá, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
  1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các quy định về quản lý kiến trúc để quản lý việc xây dựng theo TKĐT được duyệt.
  2. Chính phủ quy định cụ thể về TKĐT

B. Luật Quy hoạch Đô thị

Luật Quy hoạch Đô thị, số 30/2009/QH12 đã được Quốc hội Khóa 12 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2009 cũng đã có quy định tại các điều:

Điều 32. Thiết kế đô thị

1. Thiết kế đô thị là một nội dung của đồ án quy hoạch đô thị được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 33 của Luật này.

2. Trường hợp khu vực đô thị đã cơ bản ổn định chức năng sử dụng của các lô đất thì không phải lập đồ án quy hoạch đô thị, nhưng phải lập đồ án thiết kế đô thị riêng để làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng và cấp phép xây dựng. Nội dung đồ án thiết kế đô thị riêng được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 33 của Luật này.

3. Việc tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt đồ án thiết kế đô thị riêng được thực hiện theo quy định đối với đồ án quy hoạch chi tiết tại các điều 19, 20, 21, 41, 42, 43, 44 và 45 của Luật này.

Điều 33. Nội dung thiết kế đô thị

1. Nội dung thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chung bao gồm việc xác định các vùng kiến trúc, cảnh quan trong đô thị; đề xuất tổ chức không gian trong các khu trung tâm, khu vực cửa ngõ đô thị, trục không gian chính, quảng trường lớn, không gian cây xanh, mặt nước và điểm nhấn trong đô thị.

2. Nội dung thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch phân khu bao gồm việc xác định chỉ tiêu khống chế về khoảng lùi, cảnh quan đô thị dọc các trục đường chính, khu trung tâm; các khu vực không gian mở, các công trình điểm nhấn và từng ô phố cho khu vực thiết kế.

3. Nội dung thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chi tiết bao gồm việc xác định các công trình điểm nhấn trong khu vực quy hoạch theo các hướng tầm nhìn, tầng cao xây dựng công trình cho từng lô đất và cho toàn khu vực; khoảng lùi của công trình trên từng đường phố và ngã phố; xác định hình khối, màu sắc, hình thức kiến trúc chủ đạo của các công trình kiến trúc; hệ thống cây xanh, mặt nước, quảng trường.

4. Nội dung thiết kế đô thị của đồ án thiết kế đô thị riêng bao gồm việc xác định tầng cao xây dựng cho từng công trình; khoảng lùi của công trình trên từng đường phố và ngã phố; xác định màu sắc, vật liệu, hình thức, chi tiết kiến trúc của các công trình và các vật thể kiến trúc khác; tổ chức cây xanh công cộng, sân vườn, cây xanh đường phố và mặt nước.

Điều 34. Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị

1. Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị là các quy định về chỉ tiêu sử dụng đất tại từng khu vực hoặc lô đất, các thông số kỹ thuật của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan trong khu vực lập quy hoạch đô thị.

2. Trên cơ sở nội dung bản vẽ, thuyết minh của đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị, các kiến nghị và giải pháp thực hiện quy hoạch, tổ chức tư vấn lập đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị có trách nhiệm lập Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị trình cơ quan phê duyệt quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị.

3. Cơ quan phê duyệt quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị có trách nhiệm ban hành Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị.

Điều 35. Nội dung Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị

1. Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Chỉ tiêu về diện tích, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và chiều cao tối đa, tối thiểu của công trình trong từng khu chức năng đô thị;

b) Việc kiểm soát không gian, kiến trúc các khu vực trong đô thị;

c) Chỉ giới đường đỏ của các tuyến phố chính, cốt xây dựng khống chế của đô thị;

d) Vị trí, quy mô và phạm vi bảo vệ, hành lang an toàn đối với công trình ngầm;

đ) Khu vực cấm xây dựng; phạm vi bảo vệ, hành lang an toàn công trình hạ tầng kỹ thuật; biện pháp bảo vệ môi trường;

e) Khu vực bảo tồn, tôn tạo công trình kiến trúc, di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, địa hình cảnh quan trong đô thị.

2. Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch phân khu gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Ranh giới, phạm vi, tính chất khu vực quy hoạch;

b) Vị trí, ranh giới, tính chất, quy mô các khu chức năng trong khu vực quy hoạch; chỉ tiêu về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và chiều cao tối đa, tối thiểu, cốt xây dựng đối với từng ô phố; chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng và các yêu cầu cụ thể về kỹ thuật đối với từng tuyến đường; phạm vi bảo vệ, hành lang an toàn công trình hạ tầng kỹ thuật;

c) Các trục không gian chính, các điểm nhấn của đô thị;

d) Vị trí, quy mô và phạm vi bảo vệ, hành lang an toàn đối với công trình ngầm;

đ) Khu vực bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, địa hình cảnh quan và bảo vệ môi trường.

3. Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chi tiết gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Ranh giới, phạm vi khu vực quy hoạch;

b) Vị trí, ranh giới, chức năng, quy mô các lô đất trong khu vực quy hoạch; chỉ tiêu về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, cốt xây dựng đối với từng lô đất; chiều cao, cốt sàn và trần tầng một, hình thức kiến trúc và hàng rào công trình, vật liệu xây dựng của các công trình; chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng và các yêu cầu cụ thể về kỹ thuật đối với từng tuyến đường, ngõ phố; phạm vi bảo vệ, hành lang an toàn công trình hạ tầng kỹ thuật;

c) Vị trí, quy mô và phạm vi bảo vệ, hành lang an toàn đối với công trình ngầm;

d) Bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang công trình kiến trúc, di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, địa hình cảnh quan và bảo vệ môi trường.

4. Quy định quản lý theo đồ án thiết kế đô thị gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Ranh giới, phạm vi khu vực lập thiết kế đô thị;

b) Chức năng, mật độ xây dựng, cốt xây dựng đối với từng lô đất; tầng cao, hình thức kiến trúc công trình và hàng rào công trình, vật liệu xây dựng, cốt sàn và trần tầng một, khoảng lùi công trình;

c) Công trình công cộng, công trình kiến trúc nhỏ; kiến trúc bao che các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị;

d) Bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang công trình kiến trúc, di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, địa hình cảnh quan và bảo vệ môi trường.

C. Quy chuẩn Xây dựng

Quy Chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch Xây dựng QCVN: 01/2008/BXD do Bộ Xây dựng ban hành ngày 3 tháng 4 năm 2008 cũng đã quy định:

2.1 Thiết kế đô thị

2.1.1 Yêu cầu về thiết kế đô thị trong quy hoạch chung xây dựng đô thị

Thiết kế đô thị trong quy hoạch chung xây dựng đô thị cần đáp ứng các yêu cầu sau:

- Xác định được các vùng kiến trúc, cảnh quan đặc trưng trong đô thị; xác định được nguyên tắc tổ chức không gian cho các khu trung tâm, cửa ngõ đô thị, các tuyến phố chính, các trục không gian chính, quảng trường lớn, không gian cây xanh, mặt nước và các điểm nhấn không gian trong đô thị;

- Quy định được chiều cao tối đa, chiều cao tối thiểu, hoặc không khống chế chiều cao của công trình xây dựng thuộc các khu chức năng trong đô thị;

- Xây dựng được các yêu cầu về quản lý kiến trúc đô thị theo nội dung của đồ án quy hoạch chung xây dựng để quản lý kiến trúc cảnh quan chung của toàn đô thị theo các nội dung trên.

2.1.2 Yêu cầu về thiết kế đô thị trong quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị

1) Thiết kế đô thị trong quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 cần đáp ứng các yêu cầu sau:

- Xác định được các công trình điểm nhấn trong không gian khu vực quy hoạch theo các hướng, tầm nhìn chính;

- Quy định được các ngưỡng khống chế tối đa, tối thiểu (hoặc không quy định) và nguyên tắc về mối tương quan về chiều cao các công trình lân cận cho từng khu chức năng và cho toàn khu vực;

- Xác định được quy định về khoảng lùi của công trình trên các đường phố chính và các ngã phố chính;

- Quy định các nguyên tắc về hình khối, màu sắc, ánh sáng, hình thức kiến trúc chủ đạo của các công trình kiến trúc, hệ thống cây xanh, mặt nước, quảng trường;

- Xác định được các nguyên tắc kết nối không gian của khu vực thiết kế với các không gian lân cận ngoài khu vực thiết kế;

- Xây dựng được quy định quản lý kiến trúc đô thị theo nội dung của đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 để quản lý kiến trúc cảnh quan chung của khu vực thiết kế theo các nội dung trên;

- Quy định các chỉ tiêu khống chế về sử dụng đất như mật độ xây dựng, tầng cao xây dựng (tùy theo yêu cầu kiểm soát không gian và ý đồ tổ chức quy hoạch, quy định chính xác tầng cao xây dựng, tầng cao trung bình, hoặc chỉ quy định tầng cao tối đa và tối thiểu kèm theo quy định về mối tương quan giữa chiều cao các công trình trong khu vực quy hoạch hoặc không quy định khống chế về chiều cao xây dựng).

2) Thiết kế đô thị trong quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500 cần đáp ứng các yêu cầu sau:

- Xác định được các công trình điểm nhấn trong không gian khu vực quy hoạch theo các hướng, tầm nhìn chính;

- Quy định được chiều cao xây dựng công trình và chiều cao tầng một của công trình cho từng lô đất;

- Xác định được khoảng lùi của công trình trên từng đường phố và các ngã phố;

- Quy định cụ thể về: hình khối, hình thức kiến trúc của các công trình; quy định màu sắc và các yêu cầu đối với vật liệu xây dựng công trình;

- Quy định cụ thể về bố trí công trình tiện ích đô thị, tượng đài, tranh hoành tráng, biển quảng cáo, các bảng chỉ dẫn, bảng ký hiệu, cây xanh, sân vườn, mặt nước, quảng trường, hàng rào, lối đi cho người tàn tật, vỉa hè và quy định kiến trúc bao che các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị;

- Quy định cao độ vỉa hè, cao độ nền xây dựng công trình;

- Xây dựng được yêu cầu về quản lý kiến trúc đô thị theo nội dung của đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 có đầy đủ nội dung để quản lý kiến trúc cảnh quan của từng công trình, từng ô phố, từng tuyến phố và từng khu vực.

III. MỘT SỐ TỒN TẠI VÀ XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN TKĐT

Rất vui mừng là trong các văn bản về luật pháp của ta đã đề cập đến TKĐT. Ngoài Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Quy chuẩn xây dựng, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ ngành đều đề cập đến TKĐT. Nhiều văn bản khác cũng đã đề cập đến TKĐT, chứng tỏ là TKĐT đã và sẽ giữ một vai trò quan trọng. Mỗi văn bản quy định ở mức độ chi tiết khác nhau, tuy có trùng lặp nhưng không có mâu thuẫn vì thế người thực thi không gặp khó khăn khi vận dụng.

Vì đây là một khái niệm mới, một sản phẩm mới nên nhiều người, ngay cả trong giới chuyên môn cũng chưa hình dung hết được. Có ý kiến nói rằng: hãy chỉ cho tôi biết TKĐT khác với quy hoạch xây dựng chi tiết ở chỗ nào? Trong giới chuyên môn về quy hoạch đô thị, ai cũng đều biết là quy hoạch xây dựng đô thị chi tiết bao gồm các bản vẽ mầu, có mô hình minh họa, có bản thuyết minh và cụ thể hơn nữa là bản Điều lệ quản lý xây dựng khu vực đã có quy hoạch được phê duyệt. Vậy TKĐT sẽ nằm ở công đoạn nào? Nó bao gồm những gì: bản vẽ, mô hình, thuyết minh, phim, ảnh 3D, ai lảm, ai trình, ai phê duyệt? Tuy vậy có một số chuyên gia đã phân biệt được sự khác nhau giữa thiết kế đô thị và quy hoạch đô thị và phân biệt sự khác nhau giữa thiết kế đô thị và thiết kế kiến trúc. Quy hoạch đô thị tạo ý tưởng chỉ đạo và làm căn cứ cho TKĐT; còn TKĐT thì sáng tạo nên không gian và hình tượng đô thị. Cũng có thể nói rằng, TKĐT là sự kế tục và cụ thể hoá của quy hoạch đô thị. Hai công việc này có những nét giống nhau, nhưng cũng có những nét khác nhau. TKĐT tạo ý tưởng chỉ đạo và là cái khung cho thiết kế kiến trúc, còn thiết kế kiến trúc thực hiện, hoàn thiện và làm phong phú thêm những ý tưởng của TKĐT. Thiết kế kiến trúc quan tâm chủ yếu tới tỷ lệ, kích thước, các chi tiết cấu tạo... của bản thân công trình kiến trúc – (Trích dẫn tham luận của PGS.TS Đỗ Đức Viêm).

Sau một hồi dài tranh luận và hội thảo, cuối cùng “Luật đã kết luận”: Thiết kế đô thị là gì? Nội dung thiết kế đô thị là gì?

Theo luật thì TKĐT là một nội dung trong quy hoạch đô thị. Lâu nay ta vẫn lập quy hoạch đô thị (chung và chi tiết) nhưng chưa có quy định phải lập TKĐT, đây là điểm mới mà những người lập quy hoạch đô thị phải tuân thủ. Luật cũng quy định “ Trường hợp khu vực đô thị đã cơ bản ổn định chức năng sử dụng của các lô đất thì không phải lập đồ án thiết kế đô thị, nhưng phải lập đồ án TKĐT riêng...”

Kể từ ngày có Luật quy định về TKĐT, đã có một số địa phương thuê các Tổ chức lập quy hoạch làm đồ án thiết kế đô thị ở chỗ này chỗ kia, tuy chưa nhiều nhưng đã có khởi động. Tuy vậy vẫn còn nhiều lúng túng. Cần phải xây dựng quy trình cũng như quy định những sản phẩm cụ thể của TKĐT để từng bước đưa TKĐT vào chuẩn mực theo yêu cầu của Luật. Những nhân tố tích cực trên cần được động viên, cần được nhân lên. Tuy vậy những khó khăn lớn còn đang ở phía trước. Câu hỏi đặt ra là liệu đồ án TKĐT nó có bị “treo” giống như người ta đã từng kêu ca về “quy hoạch treo”. Tương lai của TKĐT nằm ở những vùng đất trống, những khu vực đặc biệt quan trọng như ở các trung tâm quảng trường lớn, các trục đường lớn, các nơi danh lam thắng cảnh, nơi có các di sản văn hóa, lịch sử cần bảo tồn bảo ... nơi mà ít có sự va vấp về quan hệ dân sự hoặc các quyền lợi cá nhân buộc phải hy sinh vì cái chung. Còn ở những nơi khác nhất là những nơi dân cư đã ổn định thì việc thực hiện đồ án TKĐT sẽ không đơn giản. TKĐT ở khu vực này phải tuân thủ theo quy luật công bằng về sử dụng không gian, phải được sự đồng thuận của cộng đồng, phải tuân thủ các luật quy định về quyền công dân, quyền sở hữu, quyền sử dụng, không chỉ vì cái đẹp đơn thuần được. Chính vì thế để tiết kiệm tiền của và công sức của xã hội, các nhà cầm quyền cần phải biết lựa chọn nơi nào cần làm ngay TKĐT để tránh tự phát và giữ được trật tự kỷ cương ngay từ đầu, nơi nào chưa cần làm ngay, chớ nên chạy theo phong trào kẻo tiền mất tật mang.

KS. Nguyễn Xuân Hải

Nguồn tin: Thanh Quang - Nguồn THXDVN

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây